Trẻ tỏ ra sợ hãi đối với một điều gì đó là hoàn toàn bình thường, không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Nỗi sợ cũng có những lợi ích sinh tồn nên người lớn hãy bình tĩnh chấp nhận những nỗi sợ của trẻ.
Bố mẹ luôn muốn cho trẻ cơ hội để vượt qua những tình huống khó khăn, chuẩn bị cho những biến cố và trải nghiệm ngoài mong muốn trong tương lai nên hãy xem những nỗi sợ của trẻ như là những bài thực hành đầu tiên. Vì sự phát triển về nhận thức, tâm lí và nỗi sợ của trẻ ở các độ tuổi khác nhau nên cách thức để bố mẹ hỗ trợ trẻ ở mỗi độ tuổi cũng khác nhau.
Trẻ dưới 3 tuổi
- Giai đoạn thai kỳ, Tháng thứ 6, các cơ quan của bé đã phát triển mạnh mẽ, con có thể cảm nhận âm thanh bên ngoài. Đây cũng là thời điểm thai nhi sợ tiếng ồn. Do vậy, các mẹ bầu cần phải tránh xa những nơi ôn ào, đông đúc. Từ lúc trong bụng mẹ, bố mẹ nên đọc những truyện kể cho thai nhi thông minh để bé được phát triển 1 cách tốt nhất
Khi chào đời đến gần 3 tuổi, Với trẻ ở độ tuổi này, trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, nên nỗi sợ phổ biến nhất là sợ xa cách bố mẹ, người lạ, bố mẹ có thể cân nhắc những cách sau:
- Bất cứ khi nào ở nhà, nếu bé tỏ ra sợ hãi khi không thấy bố mẹ hãy cố gắng cho bé ở cùng bạn trong một phòng, cho bé đi theo khi bạn sang phòng khác hoặc nói chuyện thật to để bé nghe thấy tiếng bố mẹ dù không nhìn thấy (như khi bố mẹ đi vệ sinh), việc này sẽ giúp bé có cảm giác an tâm hơn (dù có thể bé vẫn tiếp tục khóc)
- Đừng bao giờ trốn bé đi hoặc lừa bé rồi đi ra khỏi nhà. Bất cứ lúc nào đi, hãy thông báo rõ ràng với bé là bạn sẽ đi và bao giờ sẽ trở lại. Việc này không khiến bé đỡ khóc hơn, thậm chí khiến bạn khó rời đi hơn khi bé cứ bám lấy nhưng sẽ khiến bé dần hình thành cảm giác tin tưởng và đối diện với nỗi sợ dần dần. Khi bạn trốn bé đi sẽ khiến bé hoang mang, cảm thấy như bị bỏ rơi, không hiểu sao mình bị bỏ ở đây, không biết bố mẹ có quay lại đón mình không, khi nào sẽ đón nên về sau sẽ càng bám bố mẹ hơn để không bị bố mẹ bỏ rơi nữa.
- Khi gặp người lạ, hãy để bé ngồi trong lòng bạn hoặc bế bé để bé có cảm giác an toàn khi tiếp xúc với người lạ.
- Tôn trọng nỗi sợ của trẻ và hiểu đó là điều bình thường, đừng nói những câu kiểu như “sao mà nhát cáy thế?”, “có gì đâu mà sợ” hay bỏ mặc trẻ, điều này chỉ khiến nỗi sợ của bé càng trở nên tồi tệ và khó kiểm soát hơn. Hãy an ủi trẻ rằng bạn hiểu nỗi sợ của trẻ, bạn sẽ luôn ở bên trẻ, trẻ luôn được yêu thương và an toàn bằng một thái độ bình tĩnh, hạn chế cáu giận.
Gợi ý những cuốn sách bố mẹ có thể đọc cùng con: “Mèo Max dũng cảm” và “Đêm của mèo Max” (Tác giả Ed Vere), “Cuộc phiêu lưu vĩ đại Herbie” (Tác giả Jennie Poh)
Ở độ tuổi này, trẻ nên được bố mẹ đọc truyện thiếu nhi cho nghe để kích thích cảm xúc và làm quen với giọng đọc của bố mẹ. Đặc biệt, tốt nhất là trước khi đi ngủ, trẻ nên được người lớn đọc truyện thiếu nhi cho nghe, hiện tại có rất nhiều truyện thiếu nhi, 1001 chuyện kể cho bé trước giờ đi ngủ nên bố mẹ rất dễ chọn cho mình 1 quyển truyện thiếu nhi phù hợp
Trẻ từ 3 tuổi trở lên
Với trẻ từ 3 tuổi trở lên, những nỗi sợ có thể rất vô lí, mơ hồ như bạn ếch Montague trong truyện “Tớ kể cậu nghe bí mật này nhé”, rõ ràng là ếch nhưng lại sợ nước và không biết bơi. Tuy nhiên, trẻ đã bắt đầu nhận thức thế giới và học cách đối phó với những cảm xúc mạnh nên bố mẹ có thể:
- Khuyến khích trẻ nói về những thứ khiến trẻ sợ. Việc nói ra sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn và giúp cả trẻ và bố mẹ hiểu rõ nỗi sợ, lí do sợ và từ đó có thể nghĩ ra biện pháp hợp lí giúp trẻ vượt qua. Đôi khi nỗi sợ của trẻ xuất phát từ những trải nghiệm thực tế như bị người khác dọa (nhất là anh chị lớn và những người lớn vô duyên xung quanh), một lần bị chó đuổi….
Điều này có thể sẽ rất khó khăn với trẻ như chú ếch Montague cũng phải vòng vò mấy lượt mới dám kể về nỗi sợ của mình nên bố mẹ hãy kiên nhẫn và bình tĩnh, có thể tỉ tê dần dần, nhiều lần để trẻ dần chia sẻ. Khi trẻ nói, hãy lắng nghe với sự tôn trọng rằng “mẹ hiểu vì sao con sợ rồi”, “ừ, thế thì đáng sợ nhỉ?” hay “nếu mà mẹ bằng tuổi con chắc mẹ còn sợ hơn đấy”.
Bố mẹ của Montague biết con mình sợ nước từ hồi còn là bé nòng nọc nhưng chẳng hề thúc ép, chê bai gì khiến cậu bé còn nghĩ là bố mẹ không biết mình sợ nước. Khi cậu thú nhận nỗi sợ, bố mẹ cũng chỉ bảo là bố mẹ biết từ lâu rồi mà thôi.
- Đừng bắt trẻ phải đối diện với những thứ khiến mình sợ ngay lập tức, bạn có thể phải giúp trẻ tạm tránh những thứ khiến mình sợ trong một khoảng thời gian. “Từng bước một”, “dần dần” “từ từ” là lời khuyên chung của các nhà tâm lí học để trẻ vượt qua những nỗi sợ của mình. Bố mẹ của Montague cũng bảo cậu là sợ nước không có nghĩa là không phải bơi mà là đã đến lúc học bơi rồi, bố mẹ đã an ủi cậu là mọi chuyện sẽ ổn, đi cùng cậu và còn cho phép cậu mang theo người bạn mới đi cùng khi cậu đề nghị rồi còn biết bao sự hỗ trợ từ ống thở, phao bơi, phao tay…. để tự tin nhảy ùm xuống nước nữa.
- Nhiều trẻ sẽ có xu hướng sợ những thứ mà bố mẹ sợ hoặc thấy ghê nên hãy cố gắng đừng thể hiện nỗi sợ và thái độ trước mặt bé hoặc ít nhất là tránh xa những thứ khiến bạn sợ trước mặt trẻ. Nếu bạn sợ rắn và các loại côn trùng, khi gặp hãy tảng lời đi hoặc để người khác (như bố) cùng bé quan sát hay thậm chí thử sờ.
Gợi ý những cuốn sách bố mẹ có thể kể chuyện cho bé nghe : Bộ sách “Những sinh vật í ẹ” (Tác giả Elise Gravel), “Những Cuộc Phiêu Lưu Của Cô Gà Mái Louise” (Tác giả Kate DiCamillo và Harry Bliss), “Tớ kể cậu nghe bí mật này nhé” (Tác giả: Anna Kang – Minh họa: Christopher Weyant)
No comments:
Post a Comment